4 bước đã được thực nghiệm, qua câu chuyện của một nữ doanh nhân Mỹ trên CNBC, có thể là tham khảo cho những ai đang nợ nần chồng chất.
Năm 24 tuổi, Jaime Masters tốt nghiệp đại học và kiếm được việc làm với mức lương sáu con số. Cô lấy chồng, nuôi hai con chó, sở hữu hai ngôi nhà, một chiếc xe mới và chuẩn bị sinh con.
Đây là cuộc sống khá tốt nếu không đi kèm khoản nợ đằng sau. Khi ấy, Masters nợ 19.300 USD cho chiếc xe, 26.180 USD cho các khoản vay thời sinh viên, 24.560 USD vay mua nhà. Cô nợ tổng cộng 70.000 USD, chán công việc nhưng lại là trụ cột của gia đình.
Masters bắt đầu muốn thoát khỏi cảnh nợ nần khi mang thai. Và 16 tháng kể từ ngày lên kế hoạch trả nợ, cô đã thực hiện xong. Hiện tại, cô là nhà diễn thuyết, viết sách và dẫn dắt các chương trình về kinh doanh và khởi nghiệp. Cô đã chia sẻ với CNBC về 4 bước từng áp dụng để thoát nợ.
1 Chọn lọc phương pháp
Như nhiều người khác khi đối mặt với một núi nợ, Masters không biết bắt đầu từ đâu. Vì vậy, cô tìm hiểu và chọn phương pháp 'Quả cầu tuyết' của Dave Ramsey.
Đầu tiên, cô bán chiếc Honda Civic mới mua 2 tháng và cả chiếc Jeep cũ hơn của gia đình, để mua chiếc Jeep Cherokee 2000. Khoản tiền dôi dư dùng để trả nợ nên tổng số nợ của cô giảm còn 55.440 USD.
Sau đó, Masters áp dụng các bước còn lại trong phương pháp 'Quả cầu tuyết'. Cụ thể, phương pháp này khuyên bạn trả hết các khoản vay nhỏ nhất trước trong khi tiếp tục thực hiện việc thanh toán tối thiểu cho các khoản vay lớn.
Khi đã thanh toán hết một khoản vay nào đó thì tiếp tục dùng số tiền thanh toán hàng tháng để chi trả cho khoản vay tiếp theo, cho đến khi mọi thứ được thanh toán hết. Phương pháp này cũng lưu ý một lựa chọn là tập trung trả các khoản vay có lãi suất cao nhất trước rồi trả dần các khoản có lãi suất thấp hơn.
2 Rà soát chi tiêu
Masters không hề kiểm soát số tiền đã tiêu xài cho đến khi quyết tâm trả nợ. Cô và chồng bắt đầu cắt truyền hình cáp, giảm chi phí cho điện thoại di động, dừng đi ăn ngoài và lên bảng ngân sách các chi tiêu thiết yếu cho gia đình.
“Lúc đầu không dễ dàng gì vì tôi đã quen tiêu xài hoang phí. Tôi cảm thấy như thay đổi hoàn toàn lối sống. Nhưng rồi nó cũng quen", cô nói.
Ở bước này, để dễ dàng rà soát, trước hết hãy kiểm tra thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng để xem bạn đang chi tiêu ở chỗ nào. Lưu ý những gì có thể chi tiêu và những gì cần thiết, chẳng hạn như tiền thuê nhà, thực phẩm và các tiện ích.
Sau đó, xác định những chi phí bạn có thể cắt giảm. Bạn có thể giảm chi phí dành cho điện thoại? Bạn có thể sống trong một ngôi nhà rẻ hơn? Và bạn có thể nấu ăn ở nhà thay vì đi ăn ngoài? Đây là những thay đổi nhỏ nhưng bạn sẽ có thêm một khoản dư để trả nợ.
3 Kiếm thêm thu nhập
Cùng với việc cắt giảm chi phí và tạo ra một ngân sách, vợ chồng Masters còn tập trung kiếm thêm càng nhiều tiền càng tốt trước khi con của họ ra đời. “Chúng tôi làm việc chăm chỉ hơn và bán nhiều đồ yard sale (đồ lặt vặt với giá rẻ) để tăng thu nhập,” Masters nói.
Masters quyết định làm việc onsite (làm việc tại chính trụ sở của khách hàng). Điều này có nghĩa cô phải đi lại nhiều hơn nhưng kiếm được thêm 40 USD mỗi ngày. Trong khi đó, chồng cô kiếm thêm bằng cách nhận thiết kế web. Cả hai còn bán hàng yard sale vào mùa hè. Họ đăng bán các món đồ chưa dùng trên Craigslist và bán quần áo trên eBay.
Thực tế, những cách tăng thu nhập của đôi vợ chồng không quá khó để học hỏi. Ngoài kiếm thêm thu nhập bằng chuyên môn, nền kinh tế chia sẻ cũng cho phép nhiều người kiếm tiền mà không yêu cầu khả năng đặc biệt. Ví dụ, bạn có thể làm nhân viên chuyển phát bán thời gian, làm tài xế cho một hãng xe công nghệ.
4 Lập quỹ tiết kiệm
Ngay trước sinh con trai, Masters chỉ còn phải thanh toán một khoản vay thời sinh viên. Nhưng cô do dự trả nợ do phải dành tiền cho việc sinh con sắp tới. Vì thế, cô gọi trực tiếp cho Dave Ramsey.
“Tôi đã gọi cho Dave Ramsey và xin ông ấy lời khuyên. Ông ấy khuyên tôi không trả hết khoản vay cuối cùng mà giữ số tiền đó cho đến khi các hóa đơn y tế được thanh toán xong", cô kể.
Khi con trai ra đời, Masters đã có 23.000 USD trong ngân hàng. Cô sử dụng số tiền này để ở nhà vài tháng với con. Sau đó, cô quay lại làm việc và trả hết khoản vay thời sinh viên trong vòng một tháng rưỡi. Vào thời điểm con trai 4 tháng tuổi, Masters đã trả xong hết nợ và cũng đã thôi việc và khởi nghiệp.
Theo Masters, phần khó nhất trong suốt thời gian trả nợ là giữ trách nhiệm. “Trách nhiệm thì rất lớn. Chồng tôi và tôi đồng chịu trách nhiệm và sẽ hỗ trợ nhau khi nó trở nên khó khăn. Chúng tôi cũng nói với mọi người về kế hoạch trả nợ, điều này giúp chúng tôi đi đúng hướng", cô nói.
Không có nhận xét nào